Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến giá đất, giải ngân vốn đầu tư công, mở cửa du lịch, giảm thuế xăng dầu… tại họp báo Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", sáng 15/9.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết ngày mai (16/9), thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ về dự thảo, dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp.
Việc đất giáp ranh giữa hai địa phương khi bỏ khung giá đất được ông Thanh đặt ra. Ông nêu ví dụ, một con đường đi qua 2 tỉnh sát nhau nhưng người dân ở phía bên tỉnh có điều kiện kinh tế tốt hơn lại được hưởng giá cao hơn. "Bài toán để đưa ra khung giá đất thế nào là vấn đề rất khó", ông nói.
Trước đây, 2 địa phương liền kề thường đưa ra bảng giá đất sát nhau. Còn Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động trước khi ban hành.
Theo ông Thanh, giá đất tác động tới nhiều đối tượng khác nhau. Khi bảng giá đất theo thị trường được ban hành có thể giải quyết được vấn đề của đối tượng này nhưng lại ảnh hưởng tới đối tượng khác. Ông cho biết sẽ xử lý hài hòa, nhưng không thể có giá đất phù hợp lợi ích của tất cả các đối tượng chịu tác động.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trả lời tại Họp báo (Ảnh: Quốc hội).
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Vũ Hồng Thanh nêu số liệu là tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm 2022 đạt 39,2%, giảm so với mức 40,6% cùng kỳ năm 2021.
"Chúng tôi tổ chức đoàn giám sát, đúng là có những vấn đề như dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến nhà thầu, nhà đầu tư, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận", ông nói. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân và chính những công trình, dự án.
Theo ông, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình quốc gia, việc phân bổ kinh phí cho dự án khả năng sẽ được đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm tại diễn đàn sắp tới.
Về vấn đề du lịch, ông cho biết dù mở cửa du lịch song lượng khách quốc tế chưa được như mong muốn. Ông Thanh nhắc lại sự chuyển dịch của lao động khỏi ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về việc giảm thuế xăng dầu để kiềm chế đà tăng giá nhiên liệu trong nước, ông Vũ Hồng Thanh cho biết các cơ quan của Quốc hội chưa nhận được đề xuất từ Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ theo dõi sát diễn biến thị trường để có đề xuất giảm thuế phù hợp.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm về kịch khung từ đầu tháng 7 sau quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định nếu giá dầu thế giới tăng trên 100 USD/thùng, sẽ phải tính tới việc giảm thêm thuế.
Họp báo Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, sáng 15/9 (Ảnh: Quốc hội).
Những phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp chính sách hướng đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững sẽ được thảo luận ngày 18/9 tới, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.
Cụ thể là làm rõ bối cảnh quốc tế, xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững...; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022.
Bên cạnh đó là rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh cũng sẽ được đưa ra. Các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng sẽ được làm rõ.