Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hầu hết mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% là những trợ lực giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất, từ đó vực dậy nền kinh tế.
Những gói tài khóa được đưa ra đang tạo sức bật mới cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.
Những gói hỗ trợ kịp thời
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực, khó dự báo từ kinh tế thế giới và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Xuất – nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu… Trong bối cảnh đó, những hỗ trợ từ chính sách tài khóa tiếp tục giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp(DN), người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 352 nghìn tỷ đồng; còn số tiền được miễn, giảm khoảng 155 nghìn tỷ đồng…
Đáng chú ý, hỗ trợ tài khóa bằng việc gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đã tạo lực đẩy cho cộng đồng DN. Nhưng về bản chất, đây chỉ là khoản nợ chưa thu và cuối năm vẫn thu vào ngân sách, nên mới giúp giải quyết khó khăn trước mắt về dòng tiền lưu động cho DN.
Nhưng bắt đầu từ ngày 1/7, 2 khoản hỗ trợ từ chính sách tài khóa là giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%, chính là những đòn bẩy quan trọng giúp cộng đồng DN hồi phục, từ đó vực dậy nền kinh tế.
Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng
Nhận định về những chính sách tài khóa mà nhà quản lý đưa ra, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, đây là chương trình rất có ý nghĩa trong bối cảnh DN và người dân đang hồi phục sau dịch. Theo ông Tuấn, trong nhiều nhóm hỗ trợ, VCCI đánh giá cao giảm thuế VAT 2%. Về hiệu quả các chương trình như vốn, lao động… việc giảm thuế VAT thiết thực, tác động trực tiếp đến đông đảo người dân và DN, trong khi các chương trình khác hướng đến 1 nhóm nhất định, diện thực hiện rộng. Đây là ưu việt của chính sách thể hiện Chính phủ đồng hành với DN, người dân.
Tất nhiên, về phía ngân sách nhà nước sẽ chịu sức ép hụt thu nhất định. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 tỷ đồng; giảm thuế VAT khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính chung, ngân sách nhà nước nửa cuối năm sẽ giảm thu khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về ngân sách sẽ không quá lo, như năm 2022 giảm thuế VAT nhưng tăng trưởng tốt nên mức thu VAT còn hơn dự toán. Năm nay kinh tế tăng trưởng chậm hơn nên có thể làm ngân sách giảm hơn, nhưng chúng ta đang thiên về chính sách tiền tệ mà tài khóa hơi ít nên làm mạnh VAT không có vấn đề và hàm lượng chính sách tài khóa cần nhiều hơn.
Đối với những tác động VAT với các ngành kinh tế, giới chuyên gia cho rằng, hàm lượng hỗ trợ và số lượng ngành hỗ trợ tương tự năm ngoái, nên giảm VAT giúp giảm mặt bằng giá cả, kích thích tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo guồng quay thông suốt cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Có thể thấy, chưa bao giờ các giải pháp hỗ trợ DN, người dân được thực hiện liên tiếp, đồng loạt như thời gian gần đây. Nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đánh giá, các chính sách thuế, phí là những cú hích rất mạnh giúp DN, người dân giảm được áp lực tăng giá, giảm áp lực lạm phát, bình ổn thị trường, qua đó giúp cộng đồng DN ổn định sản xuất kinh doanh và người dân ổn định cuộc sống.
Giới chuyên gia nhận định, bên cạnh những chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, một chính sách tài khóa cũng rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, đó là giải ngân đầu tư công. Đây là giải pháp tạo nền tảng hồi phục và phát triển kinh tế, không chỉ trước mắt mà cả lâu dài, vừa cung tiền ra nền kinh tế đúng nơi, đúng chỗ, vừa cải thiện cơ sở hạ tầng tạo nền tảng tăng trưởng về sau.
Chủ đề: nền kinh tế cho Cú hích mạnh