(NLĐO) - Phát biểu tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25-7 ở Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp, mặc dù NHNN và toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của DN, người dân.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp"
Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; sức chống chịu của DN đã bị bào mòn.
Đọc thêm
Phó Thống đốc Thường trực nhấn mạnh vấn đề trọng tâm lúc này là tín dụng. Có thể nói, thanh khoản cho nền kinh tế đến thời điểm này rất dồi dào. Lãi suất - yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu vào của doanh nghiệp - được điều hành hài hòa với tỉ giá, các ngân hàng thương mại hạ lãi suất...
Bên cạnh đó, các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỉ đồng; gói 15.000 tỉ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai… Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng, cần thêm những giải pháp khác.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), nhấn mạnh mặc dù mức độ quan tâm, hỗ trợ của ngành ngân hàng là rất lớn nhưng hiện nay có một thực trạng là số lượng các DN không vay được vốn vẫn còn tương đối nhiều.
"Theo chúng tôi đánh giá thì ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các DN cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai"- ông Thân nói.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phát biểu
Về chiến lược lâu dài, Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận thấy Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ DN từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào 30% các dự án đầu tư công.
Tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi giá trị; Cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của DN để bảo lãnh cho vay… Với đồng bộ các giải pháp nêu trên, DNNVV chắc chắn sẽ hấp thụ được vốn tốt hơn và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng phát triển hơn.
"Về phía DN, Hiệp hội cho rằng cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của DN thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay. Vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung. Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn"- ông Thân nói.
Đó là mục tiêu dài hạn, còn trước mắt, Hiệp hội DNNVV và NHNN cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ sớm tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho DN, chẳng hạn như: Những điều kiện cho vay, liệu thời điểm này có hạ thấp được không? Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực DN.
Ngoài ra, chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động "hậu kiểm" vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp DN tuân thủ pháp luật tốt hơn. Do vậy, để DNNVV tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ ràng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.
Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị không chỉ ngân hàng mà các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp, nghiên cứu các chính sách và giải pháp hỗ trợ trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của DN.
Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”, do Thời báo Ngân hàng tổ chức dưới sự chỉ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Dương Ngọc
TIN LIÊN QUAN