Chiêm ngưỡng bức tranh Panorama toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ rộng hơn 3.200m2
Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh tròn lớn trên thế giới. Bức tranh đồng hiện những khoảnh khắc tiêu biểu, sự kiện điển hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Bức tranh được vẽ bởi gần 200 họa sỹ trẻ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 360 độ, chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m, phần đắp nổi sắp đặt các mẫu vật nối tiếp, phần mái vòm thể hiện bầu trời hoà bình tạo nên một bức tranh có tổng diện tích 3.225m2.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nơi trưng bày bức tranh Panorama - Tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng diện tích là 3.225m².
Hướng dẫn viên giới thiệu về Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Nguyên Phó Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long và nguyên lãnh đạo nữ tỉnh Vĩnh Long tham quan bức tranh.
Bức tranh được bố cục theo 4 trường đoạn.
Trường đoạn 1: “Toàn dân ra trận” thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đó là bức chân dung của cả một thế hệ với hàng ngàn, hàng vạn con người, dấn thân vào một trận chiến vĩ đại vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Hàng trăm công binh, thanh niên xung phong cùng nhau phá đá mở đường, từng đoàn dân công chân đất trèo đèo, lội suối thồ hàng cung cấp cho tiền tuyến. Những đoàn xe đạp thồ chất đầy những bao gạo, như đoàn ngựa sắt dã chiến hùng dũng tiến ra mặt trận. Những khẩu pháo nặng hàng tấn được kéo bằng những sợi dây thừng nặng trĩu trên vai người lính, vượt qua bao núi cao, vực sâu vào trận địa.
Trường đoạn 1 “Toàn dân ra trận” là hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch.
Trường đoạn 2: “Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn trận đánh tại Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954, thể hiện sức mạnh và quyết tâm giành thắng lợi ngay trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau khi tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam, Quân Đội Nhân dân Việt Nam tiến đánh cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và tiến vào phân khu trung tâm Mường Thanh đánh chiếm các dãy đồi phía đông, trong đó có cứ điểm A1.
Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng”, với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trường đoạn 3: “Cuộc đối đầu lịch sử” tái hiện sự khốc liệt đợt của tấn công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là trận đánh tại cứ điểm A1. Đêm ngày 06/5/1954, giữa trận địa là cột khói bốc cao, một ánh chớp lóe sáng, kèm theo tiếng nổ trầm, đục rung chuyển ngọn đồi. Đó là tiếng nổ của khối khối bộc phá gần 1.000kg mà Quân đội Nhân dân dân Việt Nam đã đặt trọn quyết tâm tiêu diệt đồi A1.
Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử”: Những hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà… phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1.
Trường đoạn 4: “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng” tái hiện khoảnh khắc lịch sử vào 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries báo hiệu giờ chiến thắng sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân và dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc chính phủ Pháp phải kí Hiệp định Giơnevo kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam.
Trường đoạn 4 “Chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được tái hiện lại một cách chân thực, sống động và hùng tráng thông qua ngôn ngữ hội họa của bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - tác phẩm không chỉ thu hút đông đảo du khách tham quan mà nó còn là niềm tự hào “Lịch sử của Việt Nam là phải do người Việt Nam thể hiện”.
Phục dựng thực cảnh lán cứu thương trên chiến trường.
Với những ý nghĩa ấy, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” như là một lời tri ân những người lính đã chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc và cũng như là một lời nhắc nhở đến thế hệ hôm nay về truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết và tinh thần yêu nước. Bức tranh không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn góp phần tạo thêm điểm nhấn trong du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Ðiện Biên nói chung và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng.
Trung Phạm