Bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào chiều muộn 1/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện.
Theo báo cáo của EVN, trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn này lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng. Ước tính cả năm, EVN lỗ hơn 31.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, EVN đã có đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành rà soát theo đề xuất của EVN, thực hiện theo đúng Quyết định 24, chỉ đạo của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xem xét đề xuất tăng giá điện của EVN (Ảnh: Hoàng Hà)
“Giá đầu vào tăng, cần có sự điều chỉnh. Nhưng tăng ở mức nào thì các bộ, ngành phải rà soát theo đúng thực tế, sau đó đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, việc giữ cho giá điện thấp quá lâu như vậy tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc giảm tín nhiệm về mặt tài chính. Hệ quả xấu có thể đến là EVN là không thể trả tiền mua điện cho các nhà đầu tư đúng hạn.
“Điều chỉnh giá điện là bước đầu tiên Chính phủ có thể làm. Song ở mức độ bao nhiêu thì vẫn phải tính toán cho phù hợp. Có điều nếu không điều chỉnh trong điều kiện biến động lớn như thế này thì không chỉ EVN khó và sau đó là câu chuyện thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như đầu tư tư nhân trong lĩnh vực thúc đẩy năng lượng sạch sẽ khó thành theo các mục tiêu của Chính phủ”, ông Sơn bày tỏ.
Dù vậy, chuyên gia này lưu ý: “Điều chắc chắn là chúng ta cũng không thể tăng quá nhiều được vì tăng quá nhiều cũng có cái tác động ngược lại với nền kinh tế”.
Ông Sơn nhấn mạnh, rất nhiều ngành hiện nay đang thâm dụng năng lượng. Vậy thì chi phí năng lượng đang là đầu vào quan trọng trong cấu phần chi phí sản xuất, đặc biệt như dệt may, thép, bảo quản nông sản...
“Đây là một bài toán cân bằng lợi ích cần các cơ quan quản lý cân nhắc, đánh giá sớm để đưa ra phương án tăng giá điện đảm bảo hài hòa được nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội. Việc đánh giá tác động của tăng giá điện cần phải yêu cầu cả Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng thời có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao để làm rõ câu chuyện rằng tại sao chúng ta phải tăng giá điện, tăng thì có thiệt hại gì nhưng nó cũng có lợi ích gì và cần phải có sự truyền thông phù hợp để người dân và doanh nghiệp hiểu được các nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế xã hội trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng toàn cầu này, để có sự đồng thuận về việc tại sao phải chia sẻ khó khăn với EVN”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, PGS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng, đứng từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu... Thế nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019 trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt.
“Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đã quy định rất rõ nếu các thông số chi phí đầu vào làm giá thành điện tăng tương ứng thì giá điện sẽ được điều chỉnh. EVN cũng đã nỗ lực giảm chi phí, giảm lương nhân viên để cân đối tài chính, giảm lỗ. Do đó, Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp”, ông Long nói.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị tính toán lại giá điện đúng với quy luật thị trường khi kiểm soát được lạm phát. Việc tính toán lại giá điện phải đúng theo tinh thần không tạo chuyển đổi đột ngột, để người dân an tâm.