Hành trình “xanh hóa” nẻo đường quê của những “chiến sĩ” tình nguyện

16/09/2024 09:23

Chiến dịch “Mùa hè Xanh 2024” đang tạo nên sự đổi thay tích cực cho các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa trên cả nước. Nhiều công trình ý nghĩa đã giúp cải tạo cảnh quan, môi trường, mang đến diện mạo mới cho địa phương, góp phần xoá tan nhiều nỗi bất an cho người dân.

Sức trẻ của hàng nghìn thanh niên cùng sự đồng hành của Quỹ Vì tương lai xanh đã giúp nhiều xã nghèo khó, vùng sâu vùng xa có “tấm áo" mới. Dự kiến, hơn 30 trường đại học (ĐH) và các đơn vị sẽ thắp sáng 35.700 mét đường vốn tối tăm về đêm bằng những bóng đèn năng lượng mặt trời. Nhiều tuyến đường trở nên xanh mát với hàng cây mới trồng, trong khi làng xã sạch đẹp hơn thông qua hoạt động dọn dẹp vệ sinh, cải tạo công trình cộng đồng.

Hành trình “xanh hóa” nẻo đường quê của những “chiến sĩ” tình nguyện

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Thủy Lợi đổ đường bê tông tại xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Những công trình xóa “nỗi ác mộng” của người dân

Trước đây, mỗi khi vào mùa mưa bão, đoạn đường đất quanh co, lầy lội, nối liền ngõ xóm ra trục đường chính xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn lại trở thành “nỗi ác mộng" của người dân.

“Lâm Sơn là xã vùng 3, các tuyến đường ngõ xóm đa phần chưa được bê tông hóa. Khi trời mưa, người dân phải băng qua đoạn đường trơn trượt. Đa phần phải chấp nhận đi bộ từ đó ra trục đường chính, không thể đi xe được”, chị Nguyễn Vi Hà Thu - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Sau khi có sự giúp sức của các “chiến sĩ” áo xanh, những con đường đất đã được bê tông hóa, không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh bê tông hóa đường đất, bức tranh tường cổ động dài 30m, vẽ về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết và sự tiên phong, xung kích của đoàn viên, cũng là điểm nhấn trong chiến dịch lần này tại xã Lâm Sơn.

“Đây là bức tranh tường cổ động đầu tiên trên địa bàn xã khiến bà con vô cùng thích thú”, chị Hà Thu nói.

Hành trình “xanh hóa” nẻo đường quê của những “chiến sĩ” tình nguyện

Sinh viên tình nguyện vẽ tranh cổ động tại xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Cách đó gần 300 km, 500 cây keo - loại cây giúp tạo bóng mát, chống xói mòn – đã được trồng tại sân thể thao xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chỉ trong một ngày.

Bên cạnh trồng cây xanh, đoạn kênh mương trong khu vực cũng được nạo vét, làm sạch. Trước đó, công trình này bị bồi lấp nghiêm trọng bởi lớp bùn đất dày đặc, cỏ dại sinh sôi khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hệ thống đường nước.

“Khoảng 150 người, bao gồm sinh viên tình nguyện và người dân trong xã đã chung tay trồng cây, nạo vét con mương. Giờ đây, hệ thống tưới tiêu đã thông thoáng, cảnh quan cũng xanh, sạch, đẹp hơn”, anh Nguyễn Đức Thắng - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lực Hành, phấn khởi cho hay.

Chia sẻ thêm, anh Thắng cho biết, điều quan trọng và ý nghĩa hơn là sau mỗi hoạt động, nhận thức của người dân địa phương về việc bảo vệ môi trường cũng đã tăng lên.

“Khi nhìn thấy hiệu quả, lợi ích nhãn tiền, bà con cũng tự có ý thức để giữ gìn. Tôi nhìn thấy sự thay đổi tích cực đến từ hành động nhỏ nhất như giảm thiểu rác thải”, anh Thắng chia sẻ.

Khởi đầu của “bước chân xanh”

Cũng theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lực Hành, những “chiến sĩ” áo xanh còn mang tới địa phương một công trình ý nghĩa khác, khiến người dân vô cùng phấn khởi. Đó là “Thắp sáng đường quê” với 15 cột đèn năng lượng mặt trời chạy quanh trung tâm UBND xã. “Đèn năng lượng mặt trời không đốt nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, không cần bật/tắt hay cắm điện, rất tiện lợi cho người dân", anh Thắng nói.

Hành trình “xanh hóa” nẻo đường quê của những “chiến sĩ” tình nguyện

Các “chiến sĩ” Mùa hè Xanh của Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn thành lắp đặt đèn tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ về lý do lựa chọn xã Lực Hành để triển khai dự án “Thắp sáng đường quê”, anh Nguyễn Chính Nghĩa - Trưởng Ban Thanh niên Tình nguyện thuộc Đoàn Thanh niên Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho hay: “Đoạn đường độc đạo băng qua đập tràn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Vì vậy, chúng tôi mong đèn năng lượng mặt trời sẽ xua tan bóng tối và đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con”.

Anh Nghĩa cho biết thêm, khi triển khai dự án, đội tình nguyện nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ người dân địa phương. “Điều này là minh chứng cho thấy dự án mang ý nghĩa thiết thực với người dân địa phương chứ không phải hoạt động phong trào hết là thôi".

Còn đối với chị Nguyễn Thu Nga - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Thủy Lợi - dự án mà trường triển khai tại xã Lâm Sơn chỉ là một khởi đầu cho “bước chân xanh".

“Các bạn sinh viên có sức trẻ, có sự sáng tạo. Chúng tôi ấp ủ rất nhiều dự án, muốn đến nhiều tỉnh thành khác để giúp nhiều người hơn nhưng đôi khi nguồn lực còn hạn chế. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Vì tương lai xanh, chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục cống hiến và lan tỏa năng lượng tuổi trẻ”, chị Nga chia sẻ.

Xa hơn nữa, chị Nga bày tỏ hy vọng những hoạt động này có thể góp phần thay đổi tư duy của người dân Việt Nam - “để mỗi cá nhân hiểu thế nào là xanh, sạch vì tương lai bền vững hơn cho các thế hệ sau", chị nhấn mạnh.

P.V

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Hành trình “xanh hóa” nẻo đường quê của những “chiến sĩ” tình nguyện - Đời Sống