Nhắc đến mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, không thể không nhắc đến địa phương được ví như “túi nước” của tỉnh, đó là vùng thôn quê Xuân Tùy (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền).
Hàng năm, địa phương này ghi nhận nhiều đợt nước dâng, lũ lụt, đặc biệt phải kể đến năm 1999, một cột mốc không thể nào quên đối với bà con nơi đây, khi đợt lũ đã tàn phá, gây mất mát lớn tài sản ở vùng quê nghèo này.
Khi lũ là “đặc sản” thường niên
Tại đợt lũ ngày 16/10 vừa qua, sau nhiều ngày mưa lớn diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn bộ xã Quảng Phú có hơn 3.000 hộ dân thì gần như tất cả đều bị ngập, trong đó thôn Xuân Tùy được mệnh danh là “rốn lũ” của xã bị bủa vây bởi biển nước.
Theo chia sẻ của người dân, đợt này mực nước còn ít hơn so với mọi năm nhưng hầu hết đường sá tại làng Tùy Xuân đã bị nhấn chìm, người dân không thể di chuyển bằng phương tiện nào khác ngoài thuyền, ghe.
Làng Xuân Tùy được xem là rốn lũ của Thừa Thiên Huế
Từ cánh đồng mía xã Quảng Phú đến làng nghề truyền thống đan lát Bao La hơn 200 năm tuổi đều ngập trong nước lũ mênh mông. Hình ảnh ghi dấu những địa danh này chỉ còn mỗi cổng chào lợp mái ngói đỏ của ngôi nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống lấp ló giữa dòng nước bạc.
Bà Phạm Thị Uyển (trú tại làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú) cho biết, việc nước lũ ngập úng toàn bộ khu vực làng là chuyện thường niên, năm nào cũng lũ lụt, có năm 4 đến 5 đợt nên mưa lũ được coi như đặc sản tại đây.
“Đến mùa lũ là khổ lắm, cuộc sống của chúng tôi luôn luôn bị thời tiết đe dọa, làm ăn không được mà năm nào cũng lo lũ lụt khiến chúng tôi cứ quanh quẩn với cuộc sống khốn khó suốt đời”, bà Uyển chia sẻ.
Người dân làng Xuân Tùy xem lũ lụt là "đặc sản" vùng
Việc nước lũ dâng nhanh, rút lâu, đã ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, hoa màu của bà con trong làng. Theo người dân, vốn là một địa phương vùng nông thôn nhưng hiện tại rau còn không có ăn vì bị nước ngâm lâu ngày.
Cả làng từng bị "ngâm nước" hơn 30 ngày trong trận lũ lịch sử
Trong trận lũ đầu tháng 10/2020, bốn bề của ngôi làng nhỏ bé này bị nước lũ bao vây. 190 hộ dân Xuân Tùy phải ngâm mình hơn tháng trời trong con nước đục ngầu. Lũ đi qua, nhiều người dân Xuân Tùy cũng vì thế rơi vào cảnh trắng tay.
Dọc theo vùng hạ du sông Bồ, các tuyến đường liên thôn, liên xã đều ngập trong nước lụt hơn 1 tháng. Để tiếp cận các làng bị ngập sâu của xã Quảng Phú như Xuân Tùy, Nghĩa Lộ, Nho Lâm..., người dân phải đi nhờ thuyền của các đoàn cứu trợ qua cánh đồng của làng Bao La ngập trong biển nước mênh mông.
Trong năm 2020 ngôi làng này từng ngâm trong nước lũ hơn 30 ngày
Đây là một trong những vùng bị ngập nặng nhất trong đợt lụt đêm 9 rạng ngày 10/10/20200 khi nước sông Bồ vượt đỉnh lũ lịch sử 1999. Nhiều ngôi nhà, trường học ngập trong nước gần cả mét. Người dân lội nước và dùng thuyền để nhận từng gói hàng cứu trợ.
Bà Hoàng Thị Tía (thôn Xuân Tùy) nhớ lại, khu vực này từng bị nước lụt ngâm hơn 30 ngày. Nước ra rồi vào liên tục nên người dân không còn cách nào khác ngoài sống chung với lụt. Cứ thấy nước lên là "ba chân bốn cẳng" chạy đi kê đồ đạc lên cao.
Ông Phạm Dũng (65 tuổi), ở thôn Xuân Tùy bần thần nhớ lại: "Trận lụt năm 2020 đã lấy đi của nhà tôi hơn 2.000 con gà, trong đó có 1.000 con sắp xuất chuồng, mấy hồ cá cũng trôi theo dòng nước, chỉ giữ lại được 4 con lợn những rồi lạnh quá cũng chết mất. Năm nay lũ đã bắt đầu về, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào ông trời".
Cùng hoàn cảnh với ông Dũng, ông Lê Cư (xóm 5, thôn Xuân Tùy) chia sẻ, năm trước nhà ông ngập sâu hơn 1m, ngâm trong nước lũ đã nhiều ngày nên vách tường nhà bị đổ nát, mọi vật dụng trong nhà đều bị hư hỏng nặng.
"Lúc đó gia tài quý giá nhất của gia đình tôi chỉ còn 1 chiếc giường cũ kê cao để trú thân chờ lũ rút", ông nói.
Không riêng ông Dũng, ông Cư mà nhiều người dân ở thôn Xuân Tùy dường như đều mất trắng sau lũ, họ chỉ kịp kê bàn, tủ, đến khi nước lên cao chỉ biết đứng nhìn từng bao lúa, đàn gà… bị cuốn trôi.
Hàng năm làng Xuân Tùy phải hứng chịu 4 đến 5 đợt lũ khiến cuộc sống người dân rơi vào cảnh khổn khổ
Ông Trần Quốc Thắng – Bí thư huyện Quảng Điền cho biết, cứ đến mùa mưa lũ, tất cả các tuyến đường trên địa bàn đều bị ngập hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà của người dân tại các xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Lợi và thị trấn Sịa ngập sâu.
Đời sống của người dân ở đây đang vô cùng khốn khó khi những thứ tài sản đáng giá nhất bị nước lụt làm hư hại hoặc cuốn trôi. Nếu năm nào lũ còn kéo dài và ngập sâu thì khó khăn chồng chất khó khăn, bởi lương thực hỗ trợ cũng chỉ có hạn.
Cũng theo ông Thắng, trước thờ điểm xảy ra mưa, lũ hàng năm, huyện Quảng Điền đã có công điện gửi về các địa phương để kịp thời di dời dân, nhất là dân các làng bị nước lụt ngâm cả tháng để tránh các thiệt hại về tài sản và tính mạng con người.
Nguyễn Hiền