Phát biểu ý kiến qua video của chuyên gia Jeff Merritt - Trưởng ban Chuyển đổi đô thị, Ủy viên Ban chấp hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ảnh: Thế Lâm.
Đầu tư vào kinh tế số thích ứng tốt với đại dịch
Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – tham dự diễn đàn đã đưa ra một nhận định gây chú ý: “Những quốc gia đã đầu tư vào kinh tế số đã phản ứng tốt hơn với đại dịch. Các nước đó có cách tiếp cận toàn diện, và đã tạo ra vị thế tốt duy trì dịch vụ công qua các kênh online”.
Cũng theo bà Turk, chuyển đổi số cũng là cốt lõi của hiệu suất và đa dạng hóa nền kinh tế, giúp thay đổi từ sản xuất qua dịch vụ. Sự thay đổi này là then chốt để tăng hiệu suất, năng suất, đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Alfonso Garcia Mora - Phó Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), đại dịch COVID-19 đã làm tăng ứng dụng công nghệ số, duy trì kết nối, kinh doanh, cho thấy sự bền bỉ của doanh nghiệp, kinh tế hộ gia đình tại Việt Nam.
Làm gì để thúc đẩy kinh tế số?
Kết nối Internet tốc độ cao chính là dòng máu của nền kinh tế số. Và theo ông Mora, cần cải thiện tốc độ Internet hiện của Việt Nam hiện còn chậm, cần phổ cập 4G và tương lai là 5G và Internet băng thông rộng cho trường học, các viện trường lớn.
Ông Mora cho biết, hiện tại có ít hơn 20% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ số hóa. Đây là một thách thức khi hội nhập.
Một vài số liệu được bà Carolyn Turk nêu ra cho thấy, TPHCM có dân số kết nối Internet cao nhất tại Việt Nam. Việt Nam tốt về hạ tầng cơ bản nhưng vẫn cần nâng cấp mạnh mẽ thêm nữa vì xếp hạng hạ tầng của Việt Nam còn thấp.
Về doanh nghiệp, Việt Nam hiện có hàng ngàn startup đầu tư vào kinh tế số với 1,3 tỉ USD vốn đầu tư vào năm 2021. Tuy nhiên, con số trung bình của công ty khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn thấp so với mặt bằng chung của Châu Á. Trong đó, 7% công ty số đặt tại Việt Nam được thúc đẩy bởi dữ liệu, còn tại khu vực Châu Á là 13%. Bên cạnh đó, chỉ có 1 phần 5 doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng quy trình hoàn toàn số hóa trong marketing, trong chi trả…
Theo vị Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, TPHCM cần tiếp tục các cải cách về thủ tục, đặc biệt chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; dịch vụ tài chính số; kỹ năng kỹ thuật số; xây dựng niềm tin tạo sự an tâm cho người dân, với sự bảo mật và an ninh mạng.
Chỉ có 40% lực lượng lao động Việt Nam có được kỹ năng kỹ thuật số cơ bản. Vì thế, TPHCM nên phát triển bộ kỹ năng cơ bản, cốt lõi để người dân thích ứng với sự thay đổi bằng cách thiết lập các khóa học.
“Phát triển kinh tế số bao hàm việc không để ai bị rớt lại khi phát triển”, bà Turk nhấn mạnh.
Bài học kinh nghiệm được chuyên gia Chan Cheow Hoe – Giám đốc Công nghệ số thuộc Văn phòng Quốc gia Thông minh và Chính phủ số của Singagpore (SNDGO) đưa ra khi triển khai việc số hóa nền kinh tế là cần sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo; cần đội ngũ có năng lực, hiểu về số hóa nền kinh tế; cùng với đó là chương trình giáo dục nâng cao nhận thức của người làm chính sách.
Khi đã có các yếu tố đó, hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ nhưng có mức độ sẵn sàng cao và linh hoạt dễ thay đổi, làm nhanh hướng tới thay đổi cả hệ sinh thái quốc gia kỹ thuật số, ông Hoe khuyến nghị.