Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho cán bộ, nhân viên Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Nhật Bắc
Tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Thanh Hóa có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dâng hương tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhật BắcTái cấu trúc tổng thể Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Buổi sáng ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đây là dự án liên doanh do 4 doanh nghiệp góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).
Với tổng mức vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018. Nhà máy có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm với nguồn dầu thô từ Kuwait, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nỗ lực, vận hành nhà máy, sản xuất, cung ứng khoảng 37 triệu tấn sản phẩm các loại cho thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo đảm cung cầu xăng dầu, an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý liên quan tới dự án. Trong đó, tổng số vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là 4,237 tỷ USD; còn vốn vay giải ngân từ ngân hàng là 4,543 tỷ USD, tức là chiếm tỉ lệ lớn với lãi suất cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao Chính phủ, nhân dân các nước Nhật Bản và Kuwait trong thiện chí thành lập liên doanh, vận hành nhà máy. Tuy nhiên, khi lập, triển khai và vận hành dự án, các bên đã không dự báo được hết những khó khăn có thể xảy ra, đặc biệt là những biến động gần đây của tình hình thế giới.
Các nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn gồm nguyên nhân khách quan như thị trường thay đổi bất lợi, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu dẫn tới biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh, doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng ban đầu; các nguyên nhân về chủ quan là việc quản trị, điều hành Nhà máy với nhân sự chủ chốt nước ngoài có nhiều bất cập, nhà máy hoạt động chưa ổn định và tối ưu về chi phí.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có những điều chỉnh phù hợp tình hình với các giải pháp phải cả ở cấp Chính phủ và cấp kỹ thuật. Gần đây, Thủ tướng đã các cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Kuwait và sẽ tiếp tục trao đổi với lãnh đạo các nước này về các giải pháp xử lý các vấn đề liên quan tới Nhà máy lọc hóa dầu Nghị Sơn trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên cùng phải có lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các vấn đề tái cấu trúc để Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục phát triển. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ các vấn đề cần tái cấu trúc đối với dự án này, đó là tái cấu trúc công tác quản trị, nhân sự (có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Công ty, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát). Cùng với đó, các bên liên quan tiến hành tái cấu trúc về tài chính (như giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả).
Vấn đề thứ ba là tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh (sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí).
Cũng trong sáng 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát Cảng biển Nghi Sơn và Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn.
Theo quy hoạch, hệ thống Cảng Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 - 100.000 DWT. Tính đến tháng 7/2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.
Sau khi nghe báo cáo về quy hoạch, ý tưởng phát triển Cảng Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các quy hoạch, chiến lược phát triển khác để quy hoạch không gian phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và cảng Nghi Sơn trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cảng Nghi Sơn. Ảnh: BTH
Thủ tướng lưu ý nghiên cứu nguồn hàng ra vào cảng, trong đó nguồn hàng không chỉ của Thanh Hóa, Nghệ An mà nghiên cứu kết nối để khai thác nguồn hàng từ các tỉnh Tây Bắc như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông cha ta đã chọn tuyến đường từ Thanh Hóa lên Tây Bắc vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.
Riêng về ý tưởng xây dựng Tổ hợp quốc phòng, kinh tế đảo Hòn Mê, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh mô hình kinh tế kết hợp quốc phòng này, với cảng nước sâu, dịch vụ logictics, dịch vụ, du lịch… vì đảo Hòn Mê chỉ cách đất liền khoảng 10 km; yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; xây dựng cơ chế chính sách huy động, thu hút đầu tư; tổ chức triển khai đầu tư phân kỳ, từng bước.
Nhân rộng các mô hình bệnh viện tư nhân thành công
Trưa 11/11, trong chương trình công tác tại Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc, cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bệnh viện đa khoa quốc tế Hợp Lực. Ảnh: BTH
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) quốc tế Hợp Lực được Tổng công ty cổ phần Hợp Lực xây dựng trên diện tích 4,4 ha tại thị xã Nghi Sơn, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, quy mô 460 giường bệnh. Đây là BV thứ hai của Tổng công ty, cùng với BVĐK Hợp Lực - khu vực thành phố Thanh Hoá quy mô 800 giường bệnh.
Từ năm 2019 đến nay, BV đã khám 450.000 lượt bệnh nhân, trong đó có 100.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Số ca được phẫu thuật trên 11.000, trong đó có gần 1.000 ca phẫu thuật đặc biệt thuộc tuyến trên liên quan đến lĩnh vực sọ não, cột sống, thay khớp háng, khớp gối, ghép tay, ghép xương, bơm cement cột sống...
BV cũng là 1 trong 8 đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa cho chủ trương xây dựng khu thu dung và điều trị COVID-19; đồng thời đã xây dựng, vận hành 2 khu xét nghiệm Real-Time PCR.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện, cơ chế để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong thu hút, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có việc xây dựng và vận hành BVĐK quốc tế Hợp Lực.
Thủ tướng ghi nhận đóng góp của Tổng công ty, BVĐK quốc tế Hợp Lực với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đã chung tay cùng cả nước trong công cuộc phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả trong công tác KCB của BVĐK quốc tế Hợp Lực. Ảnh: BTH
Thủ tướng cho rằng cần tổng kết các mô hình bệnh viện tư nhân thành công để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tiếp tục nhân rộng các mô hình này với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, phát huy trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục khuyến khích, làm tốt công tác quy hoạch, bố trí không gian phù hợp để phát triển hệ thống y tế, trong đó có các mô hình y tế, bệnh viện tư nhân, chú ý các yếu tố môi trường, văn hóa... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương.
Thủ tướng cũng hoan nghênh đề xuất của Tổng công ty về đầu tư Bệnh viện quốc tế Sản-Nhi Hợp Lực với quy mô 700 giường, đề nghị làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, các quy định của pháp luật để triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị BV tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, điều trị người bệnh, theo đúng tinh thần "thầy thuốc như mẹ hiền" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK quốc tế Hợp Lực. Ảnh: BTHTỉnh Thanh Hóa đạt nhiều kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ tỉnh
Chiều 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo báo cáo, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.
GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%).
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của Tỉnh.
Giai đoạn 2021-2023 đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù, tạo điều kiện để địa phương phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.
Quang Duy