Kết quả kinh doanh tăng trưởng góp phần đẩy giá cổ phiếu của nhiều công ty con thuộc Nhà xuất bản Giáo Dục tăng cao. Ảnh chụp tại một nhà sách ở TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI
Trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, thị trường cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng xảy ra nhiều biến động ở nửa đầu năm 2022.
Chỉ số HNX từng vươn lên đỉnh cao 493,84 điểm vào hồi đầu năm nay (7-1), nhưng trong khoảng thời gian gần đây liên tục lao dốc. Khép lại phiên hôm nay 6-7, chỉ số này chỉ còn 271,92 điểm, tương đương giảm gần 45% so với đỉnh.
Tại phiên giao dịch kết thúc nửa đầu năm 2022, các chỉ số ngành đều bị giảm so với hồi đầu năm. Trong đó ngành tài chính có mức giảm nhiều nhất (-30%), tiếp đến là các ngành xây dựng (-29%), công nghiệp (-12%)...
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch mua bán cổ phiếu bình quân trong nửa đầu năm cũng bị giảm mạnh xuống còn 98 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt xấp xỉ 2.600 tỉ đồng/phiên, tương đương giảm lần lượt 34% và 17% so với mức bình quân của cả năm trước.
Đáng chú ý, trong lúc số đông mã chứng khoán bị lao dốc mạnh, vẫn có một số mã vươn lên, tăng giá, nhờ nhận được dòng tiền mua vào của nhà đầu tư. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2022 sàn chứng khoán Hà Nội ghi nhận 4 cổ phiếu đứng top đầu tăng giá. Dẫn đầu là mã VLA của Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang, khi tăng gần 107% lên giá 62.000 đồng/cổ phiếu ở phiên cuối cùng của quý 2. Á quân tăng trưởng thuộc về cổ phiếu HPM của Công ty CP xây dựng thương mại và khoáng sản Hoàng Phúc, với mức tăng hơn 91%, vươn lên giá 19.700 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là cổ phiếu của Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang (mã chứng khoán SGC) ghi nhận mức tăng gần 63%, leo lên giá 82.500 đồng/cổ phiếu. Cuối cùng thuộc về cổ phiếu của Công ty CP Sách đại học - dạy nghề (mã HEV), với mức tăng hơn 61%, đạt giá 45.800 đồng/cổ phiếu. Nhìn vào "bảng vàng" top 4 mã tăng mạnh trên sàn chứng khoán Hà Nội có thể thấy có tới 2 thành viên là công ty con của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, gồm: Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang và Công ty CP Sách đại học - dạy nghề. Về sức khỏe kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 1-2022, Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang gặt hái được gần 15,3 tỉ đồng doanh thu, tương đương tăng hơn 6.000% so với quý cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, doanh nghiệp này lãi ròng sau thuế hơn 5,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước bị âm gần 2,7 tỉ đồng.Về kết quả doanh thu tăng vượt trội, doanh nghiệp này giải thích do có thêm phần doanh thu đào tạo online (chiếm tỉ trọng tới 98%). Mảng đào tạo online cũng "có tỉ suất lợi nhuận tương đối cao".Về phần Công ty CP Sách đại học - dạy nghề, tổng kết quý đầu năm nay doanh nghiệp đạt hơn 15,2 tỉ đồng doanh thu, tương đương tăng tới 111% so với quý cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, giá vốn... doanh nghiệp còn lãi ròng sau thuế 651 triệu đồng, tăng tới 81% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp giải thích, nhờ "đã đẩy mạnh chương trình tiếng Anh Cambridge cùng với phát triển mạnh các hoạt động khác ngay đầu năm", nên mới đạt kết quả kinh doanh tăng mạnh như trên.Về công ty mẹ - Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%), theo "báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021", doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng. Nguồn thu chính đến từ hoạt động phát hành sách như sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác... (chiếm tới 97%), phần còn lại thuộc về hoạt động tài chính và thu nhập khác.Tổng kết cả năm vừa qua, doanh nghiệp gặt hái lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và đào tạo (cơ quan chủ quản) giao cho. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt qua con số dao động bình quân từ 120 - 150 tỉ đồng của những năm trước.Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì về lãi đậm?
TTO - Trước thông tin Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố lợi nhuận sau thuế của năm 2021 vượt gần 2,5 lần so với kế hoạch, câu chuyện giá sách giáo khoa cao lại được đặt ra.
BÔNG MAI