Tổng kết tình hình kinh tế - xã hội sáng 29/6, UBND TPHCM cho biết, GRDP nửa đầu năm tăng 3,82% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III, IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, kinh tế quý II ước tăng 5,73% và thành phố đánh giá đây là sự phục hồi theo mô hình chữ V (phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm).
Kinh tế TP HCM, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, "đã phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện". Còn bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, nhận định sự phục hồi này "sớm hơn kỳ vọng".
Tính theo từng khu vực, tăng trưởng của thương mại dịch vụ cao nhất với 4,83% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,86%). Công nghiệp - xây dựng đứng thứ hai, với mức tăng 2,23%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2, tốc độ còn chậm nhưng đã hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành. Tính chung 6 tháng đầu năm, IPP ước tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%).
Tuy nhiên, sản xuất điện - điện tử vẫn tăng trưởng âm do khó khăn về tiêu dùng của thị trường thế giới, xuất khẩu của các thương hiệu lớn còn thấp. "Cùng với đó là tình hình thiếu hụt chip và chi phí vận chuyển cao, một số quốc gia siết chặt về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương, lý giải.
Trong khi đó, 8 trên 9 ngành dịch vụ phục hồi, trừ kinh doanh bất động sản giảm 5,82%. Tăng trưởng cao nhất ghi nhận ở các ngành tài chính, ngân hàng; thông tin truyền thông và vận tải, kho bãi.
Xuất khẩu, du lịch và thu hút vốn đầu tư cũng là hai điểm sáng, với tăng trưởng hai con số. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2021. Tổng thu du lịch tăng 29,9%. Thành phố cũng đứng thứ hai cả nước về thu hút đầu tư nửa đầu năm với 2,18 tỷ USD, tăng 60%.
Tuy nhiên, UBND TP HCM đánh giá kinh tế vẫn còn một số thách thức và hạn chế. Theo đó, xung đột thế giới khiến giá cả nguyên liệu, xăng dầu tăng, làm ảnh hưởng đến tiêu dùng, quá trình phục hồi. Tốc độ tăng trưởng 3 trên 4 khu vực kinh tế chưa cao, chưa tận dụng được dư địa phát triển. Triển khai đầu tư công chậm, chỉ đạt 17% nguồn vốn giao, mức thấp nhất lịch sử.
Để củng cố động lực tăng trưởng giai đoạn cuối năm, TP HCM đề ra nhiều giải pháp như xúc tiến giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục mở cửa du lịch. Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch TP HCM, cho biết đặt kế hoạch mỗi quận/huyện/thành phố sẽ phát triển một sản phẩm du lịch. Hiện đã có một số quận đăng ký sản phẩm mới.
Về điểm nóng lạm phát, UBND TPHCM cho hay sẽ tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn và theo dõi diễn biến tình hình giá dầu, vàng và thị trường ngoại hối. Thành phố sẽ báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh với trung ương để có giải pháp xử lý điều hành các yếu tố đầu vào quan trọng.
Viễn Thông