Đây là nhấn mạnh được ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Lễ khai giảng "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên” vào ngày 8/1.
Đến dự Lễ khai giảng còn có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; đại diện lãnh đạo Sở Ban ngành tỉnh Bình Dương, Khu Công nghệ cao TP HCM và đại diện nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, địa phương này cùng với TP HCM sẽ tập trung giải pháp góp phần vào mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn trên cả nước.
Chương trình đào tạo nhân lực cao ngành vi mạch bán dẫn do Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) phối hợp với đối tác giáo dục quốc tế SUN EDU triển khai, trong đó "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên” là sự kiện khởi đầu tại tỉnh Bình Dương.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên tỉnh Bình Dương là khởi đầu cho Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới.
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, tỉnh Bình Dương mong muốn sự tham gia của các trường ĐH và CĐ của tỉnh thời gian tới sau sự tiên phong của Trường ĐH Thủ Dầu Một. "Đây có thể nói là mô hình cách làm hay, đi tắt đón đầu trong liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của tỉnh Bình Dương trong việc góp phần hiện thực hoá mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Phát biểu định hướng chỉ đạo tại Lễ khai giảng, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Bình Dương đang tập trung nghiên cứu, khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và từng bước thực hiện tự cải tiến, chuyển đổi từ công nghệ cũ sang công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0. Từ đó, đánh giá hiệu quả, nhân rộng, phổ biến cách làm, kịp thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, địa phương này đặc biệt quan tâm đến công nghiệp bán dẫn, nhất là phát triển nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị, Trường ĐH Thủ Dầu Một là chủ lực trong việc liên kết, trao đổi với các Viện, Trường có uy tín trong và ngoài nước để đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, trong đó quan trọng là các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, vi mạch điện tử, chíp bán dẫn,…
"Tôi kỳ vọng đây sẽ là lực lượng cán bộ nòng cốt, hạt nhân có chất lượng cao để tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu thiếu nhân lực ngày càng cao đối với lĩnh vực này, đồng thời hướng đến tham gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao tại Bình Dương và khu vực", Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm của TP HCM về công nghiệp bán dẫn nói chung và ngành vi mạch bán dẫn nói riêng, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực.
Dẫn vào thực tiễn tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 kỹ sư. Ông Thi nhận định, khu vực Đông Nam bộ của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này. Riêng TP HCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm. Kế đến là tỉnh Bình Dương cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nhân lực cho ngành này.
Theo TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một, điểm nổi bật của khóa đào tạo đầu tiên của tỉnh Bình Dương là nhắm đến mục tiêu giúp giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào những kiến thức thực tiễn thực sự hữu ích cho việc đào tạo lại cho các học viên, sinh viên, đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học và vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng một cách kỹ lưỡng.
Sau khóa học, các học viên có thể bắt tay vào làm ngay tại các công ty thiết kế vi mạch và đây cũng là điều các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới mong muốn khi tuyển dụng. Ngoài ra, giúp cho các học viên là giảng viên, nhà quản trị nắm bắt được những kiến thức cơ bản quản trị và điều hành tại đơn vị của mình.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Nguyễn Văn Lợi trao đổi với chuyên gia, đại biểu bên lề sự kiện.
“Trong thời gian ngắn sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng đối tác giáo dục quốc tế SUN EDU, các trường ĐH, các Sở nghành liên quan của tỉnh Bình Dương như Sở KHCN, Sở TTTT,…và các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh để khai giảng thêm các lớp đào tạo thiết kế vi mạch nhằm xây dựng nguồn lực cần thiết cho việc phát triển nghành công nghiệp vi mạch bán dẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Bình Dương”, TS Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.